Questo sito utilizza cookie tecnici, analytics e di terze parti.
Proseguendo nella navigazione accetti l'utilizzo dei cookie.

Preferenze cookies

Cuộc điều tra độc lập của OSCE đã phát hiện ra các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng của các lực lượng Nga ở Ukraine

Bài báo chung của các Đại sứ và Trưởng Phái đoàn của Áo, Bỉ, Bungari, Canađa, Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ai Len, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Ukraine, Anh và Mỹ tại Việt Nam.*

Vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) có thể không được nhiều người biết đến ở Việt Nam, nhưng lại rất quan trọng trên trường quốc tế. Đây là một tổ chức liên chính phủ, với 57 quốc gia tham gia, đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh và góp phần ngăn chặn các xung đột kể từ đó. Nga và Ukraine là thành viên của OSCE, cũng như tất cả các quốc gia là đồng tác giả bài báo này. Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào hai tháng trước, các thành viên của OSCE đã yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra về vi phạm và lạm dụng luật nhân đạo quốc tế và nhân quyền, do các chuyên gia độc lập thuộc Cơ chế Moscow của OSCE tiến hành. Báo cáo ban đầu, là kết quả của nhiệm vụ kéo dài suốt ba tuần nhằm tìm kiếm sự thật của ba chuyên gia OSCE, đã được công bố gần đây, và đã phát hiện ra nhiều trường hợp các lực lượng Nga ở Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế một cách rõ ràng, với những bằng chứng đáng tin cậy về tội ác chiến tranh.

Những loại vi phạm và tội ác nào được nêu trong bản báo cáo? Các chuyên gia độc lập đã phát hiện những mô hình rõ ràng về các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế của các lực lượng Nga, dẫn đến con số dân thường bị thương vong rất cao. Họ đã lưu lại những bằng chứng đáng tin cậy về việc vi phạm quyền được sống, quyền không bị tra tấn và các cách thức đối xử và trừng phạt vô nhân đạo và nhằm mục đích nhục mạ khác. Họ cũng tìm thấy bằng chứng về việc các đoàn xe nhân đạo và các cơ sở y tế bị tấn công, cũng như các vụ bắt bớ tùy tiện và giết người phi pháp. Các chuyên gia cũng thấy rằng, Nga đang không đồng ý sơ tán dân thường, hoặc đang vi phạm các thỏa thuận như vậy, bằng việc tấn công vào những người đang cố gắng rời đi. Việc cố tình bỏ đói thường dân như một công cụ của chiến tranh, bằng cách tước đoạt của họ những thứ thiết yếu để sinh tồn, cấu thành tội ác chiến tranh.

Các chuyên gia độc lập của OSCE đã nhận được một số báo cáo đáng tin cậy, mà theo đó, các lực lượng Nga đã bắt giữ thường dân, kể cả các nhà báo, không theo bất kỳ quy trình nào, và hành hạ họ với nhiều biện pháp tương đương tra tấn. Điều này cũng cấu thành tội ác chiến tranh. Xung đột có tác động đặc biệt tiêu cực đến các cá nhân thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật. Các chuyên gia độc lập của OSCE đã phát hiện ra nhiều trường hợp bạo lực giới liên quan đến cuộc xung đột, chẳng hạn như hiếp dâm, bạo lực hoặc quấy rối tình dục. Phụ nữ cũng phải đối mặt với nguy cơ buôn bán người ngày càng gia tăng, và với khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giới. Độ tin cậy của báo cáo của OSCE được củng cố bởi thực tế, rằng nó không hạn chế việc làm sáng tỏ các vi phạm của phía Ukraine, mặc dù những vi phạm này không thể nào so sánh được với các vi phạm thực hiện bởi phía Nga.

Báo cáo của các chuyên gia độc lập của OSCE đã giúp phơi bày sự thật về cuộc chiến bất hợp pháp của Putin ở Ukraine.Bản báo cáo đã tìm thấy những bằng chứng đáng tin cậy về những tội ác chiến tranh gây ra ở Ukraine, mà đó là một sự sỉ nhục đối với nhân loại và sẽ làm ô danh nước Nga và Tổng thống Putin. Chúng tôi kêu gọi các nước ngoài châu Âu, trong đó có cả Việt Nam, hãy lên tiếng về các hành vi vi phạm luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế của Nga, đồng thời phản đối những nỗ lực sử dụng vũ trang để vẽ lại bản đồ châu Âu.

* Đại sứ Hans-Peter Glanzer – Áo; Đại sứ Paul Jansen – Bỉ; Đại sứ Marinela Petkova – Bungari; Đại sứ Vitezslav Grepl – Cộng hòa Séc; Đại sứ Kim Hojlund Christensen – Đan Mạch; Đại sứ Keijo Norvanto – Phần Lan; Đại sứ Nicolas Warnery – Pháp; Đại sứ Guido Hildner – Đức; Đại sứ Georgios Stilianopoulos – Hy Lạp; Đại sứ Csaba Őri – Hungary; Đại sứ John McCullagh – Ai len; Đại sứ Antonio Alessandro – Ý; Đại sứ Elsbeth Akkerman – Hà Lan; Đại sứ Grete Lochen – Na Uy; Đại sứ Wojciech Gerwel – Ba Lan; Đại sứ Cristina Romila – Rumani; Đại biện Lâm thời Pavol Svetik – Slovakia; Đại sứ Maria Pilar Mendez Jimenez – Tây Ban Nha; Đại sứ Ann Mawe – Thụy Điển; Đại sứ Ivo Sieber – Thụy Sỹ; Đại sứ Oleksandr Gaman – Ukraine; Đại sứ Gareth Ward – Vương quốc Anh, Đại sứ Marc Knapper – Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; Đại biện Lâm thời Robert Bissett – Ca na đa.

*****

Báo cáo của đoàn công tác các chuyên gia Cơ chế OSCE Moscow: https://www.osce.org/odihr/515868

*****